Đề xuất tăng phí tại 37 dự án BOT sau khi doanh thu sụt giảm

Trước tình trạng sụt giảm doanh thu của hàng chục dự án BOT, Bộ GTVT đã có văn bản đề xuất tăng phí tại 37 dự án BOT trên cả nước.

Trong hợp đồng BOT được ký giữa bộ GTVT và nhà đầu tư tư nhân, đều có điều khoản cho điều chỉnh thời gian thu phí, hoàn vốn khi doanh thu thực tế tăng hoặc giảm hai năm liên tiếp từ 2-5% so với tính toán trong hợp đồng.

Tính đến tháng 5/2019, Bộ GTVT đã quyết toán toàn bộ hoặc một phần 59 dự án BOT đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác, 2 dự án còn lại đang thi công. Theo Thông tư 159 của Bộ Tài chính về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ, lộ trình tăng phí của các dự án BOT là 3 năm 1 lần.

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ từ tháng 5/2016, đến nay Bộ GTVT chưa thực hiện tăng phí với 59 dự án BOT trên cả nước. Chiếu theo điều khoản đã ký kết của 59 hợp đồng BOT, theo Bộ GTVT, đến thời điểm này có 37 dự án tới hạn tăng phí 12-18% theo lộ trình.

Loading...
Đề xuất tăng phí tại 37 dự án BOT sau khi doanh thu sụt giảm
Đề xuất tăng phí tại 37 dự án BOT sau khi doanh thu sụt giảm

Trong đó, năm 2018 tăng phí 2 dự án, năm 2019 tăng phí 35 dự án, năm 2020 tăng phí 10 dự án, năm 2021 tăng phí 2 dự án, các dự án còn lại sẽ tăng phí sau năm 2021. Trong số 37 dự án BOT đề xuất tăng phí có 25 dự án doanh thu thực tế giảm so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT.

Bộ GTVT nêu tại văn bản, nếu không có giải pháp đồng bộ, kịp thời với 25 dự án này thì phương án tài chính bị phá vỡ, doanh nghiệp dự án phá sản, các khoản vay nghìn tỉ từ ngân hàng để đầu tư công trình BOT trở thành nợ xấu.

Nguyên nhân mà Bộ GTVT đưa ra là do kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương không đúng dự báo làm giảm lưu lượng xe, một số trạm thu phí BOT có số lượng sử dụng vé tháng, vé quý lớn cũng làm doanh thu các trạm giảm 15-20%…

Bộ GTVT cũng cho rằng tình trạng các trạm BOT sụt giảm lưu lượng xe một phần xuất phát từ việc các địa phương đầu tư các dự án giao thông chạy song hành với tuyến đường BOT, đường ngang chạy qua khu vực trạm BOT dẫn tới thất thoát lưu lượng xe, hoặc tình trạng các phương tiện vận tải cố ý tránh trạm thu phí…

Bộ GTVT đề xuất Chính phủ phương án là tăng phí BOT đúng lộ trình trong giai đoạn 2019-2021. Để tránh sốc khi tăng phí đồng loạt hàng chục dự án BOT, bộ GTVT sẽ đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng trong năm 2019 chỉ tăng phí với các dự án BOT có sụt giảm doanh thu lớn bởi các dự án này đã chạm “điểm tới hạn nếu không tăng phí sẽ phá vỡ phương án tài chính”.

Trước đó vào ngày 13/5/2019, Cục QLĐB I – Tổng cục ĐBVN đã có văn bản số 817/CQLĐBI – KHTC báo cáo việc kiểm tra việc sao lưu dữ liệu thu phí tại Trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ Pháp Vân – Cầu Giẽ.

Báo cáo của Cục QLĐB I nêu, Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ vẫn chưa thực hiện sao lưu dữ liệu thu phí theo yêu cầu. Do Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ chưa thực hiện các yêu cầu nói trên, Tổng cục ĐBVN báo cáo Bộ GTVT phương án xử lý là yêu cầu dừng thu phí kể từ ngày 10/6/ 2019 cho đến khi Công ty cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ thực hiện sao lưu dữ liệu thu phí dịch vụ theo đúng quy định.

Được biết, dự án đầu tư, nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ theo hình thức BOT có tổng mức đầu tư 6.269 tỷ đồng được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, dự án có mục tiêu nâng cấp, cải tạo yếu tố bình đồ và mặt cắt dọc, hệ thống ATGT, dải phân cách từ đường cũ gồm 4 làn xe lên tiêu chuẩn đường cao tốc.

Giai đoạn 2, Dự án có mục tiêu mở rộng hoàn chỉnh thành đường cao tốc 6 làn xe và xây dựng hệ thống đường gom hai bên song hành quy mô đường cấp VI đồng bằng.

Mời độc giả theo dõi thêm các tin tức khác.

Loading...