Hẻm của những người trọc đầu, câu chuyện cảm động về 20 năm nương tựa vào nhau

Ngần ấy thời gian, con hẻm số 5 đường Nơ Trang Long vẫn là nơi lui tới của hàng nghìn bệnh nhân ung thư. Ấy vậy mà lâu dần, người ta đã quên mất số hẻm, khi được hỏi lại tặc lưỡi bảo: “Hẻm ung thư”…

Đầu năm 1985, Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định thành lập Trung tâm Ung bướu TP.HCM. Ban đầu, cơ sở còn hạn hẹp, nhiều bác sĩ của viện phải xin đặt thêm nhiều giường bệnh ở nhà dân. Thế là cứ hết lượt này đi, lượt khác tới, con hẻm số 5 này “bất đắc dĩ” thành nơi lưu trú của hàng nghìn bệnh nhân ung thư. Dần dà, người ta quen gọi nó với cái tên: “Hẻm ung thư” Nơ Trang Long!

Những người trọc đầu ở

20 năm chưa tắt đèn, đóng cửa

Đặng Kim Sương (SN 1959, quê ở Lâm Đồng) dắt tôi về chỗ nhà trọ cô ở. Căn nhà 3 tầng được chia làm nhiều giường nhỏ có khoảng 30 người nằm nghỉ. Cô Sương bảo là cuối tuần, mọi người về thăm gia đình, chứ ngày bình thường mỗi nhà trọ phải tầm 50 người bệnh đến ở.

Căn trọ đã 15 năm tuổi của ông chủ tên Quân. Hỏi ra mới biết, ngày trước mẹ anh cũng mắc bệnh. Vì thấu cảnh đau đớn bệnh tật lại phải mưu sinh giữa đất Sài thành, mẹ anh mới chia phòng dắt người bệnh về ở, tiền cơm nước cứ bỏ vào thùng quỹ tùy ý. Ngay cả lúc bà mất, chỉ dặn dò anh phải giữ chỗ trọ và thùng quỹ cơm cho bằng được. Ấy vậy mà 15 năm nay, anh Quân vẫn cứ mở rộng cửa đón người bệnh vào tá túc.

Loading...

Những người trọc đầu ở

Theo đó, ở xóm trọ này giá cả đều rẻ như nhau. 30 nghìn đồng cho một giường xếp hoặc võng, 100 nghìn cho một phòng riêng có máy lạnh. Kinh doanh thì ít, giúp đỡ vẫn là phần nhiều. Ai thiếu túng, chủ trọ không thu tiền mà còn góp tiền gửi tặng. Anh Quân bảo: “Chủ yếu là để người bệnh có chỗ êm ái nghỉ dưỡng, chứ bệnh viện mùi thuốc nồng nặc sao ngủ ngon giấc nỗi.”

Không chỉ thế, người trong hẻm còn đồng lòng dựng 2 bếp cơm miễn phí cuối hẻm. Sáng sáng, họ lại xúm nhau nấu ăn, phát tận tay từng người bệnh. Lúc đầu, anh Quân chỉ nghĩ là duy trì điểm ăn như lời trăn trối của mẹ. Sau đó, nhiều mạnh thường quân thấy hay đến ủng hộ cùng mở rộng quy mô. Đến nay, mỗi bếp ăn đã nấu được 4000 suất cơm mỗi ngày, giúp đỡ không biết bao nhiêu mảnh đời. “Chỉ cần mỗi ngày lại được thấy họ đứng ở đầu hẻm chờ tới lượt mình nhận cơm là chúng tôi khổ mấy vẫn vui. Nhiều bệnh nhân lúc còn khỏe cũng lao vào phụ một tay, người đã khỏi bệnh thì mỗi tháng gửi tiền ủng hộ bếp. Cứ thế, miễn phí đã trở thành truyền thống của cái hẻm này!” – Anh Quân cười.

Dài chưa đầy 50 mét, vậy mà hẻm chẳng thiếu thứ gì. Nghèo khổ có, bệnh tật có, và cả những tấm lòng hảo tâm cũng thật nhiều.

Nghĩa tình giữa những mảnh đời bất hạnh

Cô Lê Thị Thủy (SN 1969, quê Cam Ranh, Khánh Hòa) – người “lão làng” nhất hẻm. Cả nhà 3 thế hệ đều mang căn bệnh ung thư đại tràng rồi lần lượt qua đời. Nhớ lại, cô vẫn sụt sùi: ” Ngày khám ra có kết quả dương tính, tôi đã uống hết thuốc bác sĩ phát để tự vẫn. Lúc tỉnh dậy, thấy mình vẫn nằm bệnh viện nghe mình thở vừa buồn lại vừa vui. Thằng con trai phát hiện sớm đã đưa tôi đi súc ruột, khóc lóc đòi má phải sống”.

4 năm nay, vì bệnh tình nên cô ở hẳn trọ, chưa một được về lại thăm nhà. Nhờ có mọi người yêu thương, giúp đỡ, cô quên dần đi đau đớn, sống lạc quan hơn. Cô bảo: “Bị bệnh này rồi, không thuốc thang gì hết, chỉ có tinh thần thoải mái, vui vẻ mới duy trì được thêm ngày nữa”.

Những người trọc đầu ở

Ung thư cứ lẵng lặng tàn phá dần bên trong người bệnh, gán cho họ những bản án “tử hình” sớm hoặc muộn. Vậy mà nhiều người lạc quan lắm, bệnh mặc bệnh, sống thì vẫn phải thương nhau như cô Thủy, cô Sương, như bác Phúc… hay như tất cả mọi người trong con hẻm số 5 này.

Đều đặn hằng ngày, cô Thủy vẫn ngồi góc giường đan len thành những vật dụng như mũ, áo, khăn… tặng mọi người. Cầm lên một chiếc áo nhỏ đủ màu, cô cười tủm tỉm khoe: “Sắp tới thôi nôi đứa cháu, gửi về cho nó mặc. Mùa đông quê chắc lạnh lắm!”

Mới vào thuốc để trị bệnh, bác Phúc (SN 1955, quê Đắk Lắk) nằm im lìm một góc giường. Cô Sương phải lấy tấm chăn lót thêm dưới giường cho bác đỡ mỏi. Cô có điều thú vị lắm, dành nguyên một cuốn sổ tay đánh dấu từng ngày vào thuốc của mỗi người bạn để dễ bề chăm sóc. Sáng ra, cô đã xếp hàng nhận cơm, xin thêm hộp cơm. Về đến nhà, lại đẩy chiếc xe lăn qua tận phòng viện đón bác Phúc. Ngồi đầu giường, cô Sương ân cần mớm từng muỗn canh nhỏ: “Anh uống cho lại sức!”.

Những người trọc đầu ở

Thoạt nhìn, dáng cô mập mạp, giọng nói lanh lảnh, không có cái đầu trọc chẳng ai nghĩ cô lại mắc bệnh. Cô Sương lui tới nhà trọ này cũng giáp năm, là người chứng kiến bao kẻ ở, người đi, có người là vĩnh viễn. Cô bảo: “Ở đây, người tứ xứ đổ về, vì cái bệnh nên thương nhau lắm. Chỉ cần hỏi tên là thành người một nhà. Ai còn khỏe thì chăm người yếu, ai đi được thì đỡ đần người nằm liệt, cứ thế sống qua ngày.”

Cầm điện thoại lên, cô Sương cũng khoe với cả hẻm về đứa cháu gái đang chuẩn bị vào lớp 1. Với cô, những đêm gọi điện về nhà, nghe con gái kể chuyện gia đình, chồng than vãn chuyện vườn tược và đứa cháu léo nhéo vòi quà… vẫn là tuyệt vời nhất.

Những người trọc đầu ở

Lúc ấy, cô Thủy lại ganh tỵ. Từ ngày cô nhận được cái án “tử hình” vào năm sau, cô vẫn hay thở dài: “Sướng lắm, bà Sương ngày nào cũng được gọi ngoại. Tôi thì chỉ mong một lần thằng cháu nói kêu “Nội ơi, cho con năm ngàn” thì đi cũng mãn nguyện.”

Trong ngôi nhà nhỏ ấy, họ vẫn an ủi nhau bằng những câu chuyện thường nhật. “Thôi thì còn ngày nào thì cố gắng thêm ngày đó chứ sao!”, mọi người trong xóm động viên nhau như thế!

Những người trọc đầu ở

Tồn tại hơn 20 năm, “hẻm ung thư” đã chứng kiến bao lớp người đến và đi, già có, trẻ có. Đến không “hẹn trước”, mà đi cũng chẳng biết lúc nào. Thế là hằng ngày họ vẫn vui vẻ, đùm bọc nhau. Nói như cô Sương: “U vú, u gan, u thận,… chứ có u môi đâu mà không cười, không nói chuyện rôm rả hả con…”.

“Chuyện cái Nhi (quê Bến Tre) chắc là buồn nhất. Nó ở đây gần một năm để trị u vú. Vừa bệnh lại phải bán vé số để mưu sinh. Đến lúc đổ nặng, tiền bạc cũng mòn túi, nó cứ nghĩ nằm đây chờ chết. Thấy thế, chị em góp mỗi người một ít thuê xe cứu thương chở về quê. Ngày lên xe, nó còn nước mắt ngắn dài cảm ơn. Nó mừng vì được về nhà, gặp lại chồng con, nằm trên đất cha mẹ. 10 ngày sau, gia đình báo tin nó mất. Họ nói nó đi thanh thản lắm, không đau đớn gì như những lần vào thuốc. Nó còn trẻ lắm, 28 chứ nhiêu. Đêm nào cái miệng chua lè cũng chọc cho mọi người cười, vậy mà đi sớm nhất! ” – cô Sương bật khóc mỗi lần nhớ lại.”

Nội dung được nhiều bạn đọc quan tâm
Lợi ích của sữa chua hoa quả, cách làm sữa chua hoa quả tại nhà cực hay
Cách nấu cơm ngon dẻo mà không phải bà nội trợ nào cũng biết
Bướm bay vào nhà: Những điềm báo và ý nghĩa phong thủy có thể bạn chưa biết
Loading...